Cực Đông của Việt Nam còn có tên gọi khác là Mũi Đôi – Hòn Đôi (Hòn Đầu) là phần đất liền nhô ra biển xa nhất về phía đông và là nơi đón bình minh sớm nhất của Việt Nam. Mũi Đôi nằm trên bán đảo Hòn Gốm của vịnh Vân Phong, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 110km theo hướng Đông Bắc. Đây là điểm đến mà bất cứ tín đồ yêu thích xê dịch nào cũng muốn khám phá, chinh phục và đặt chân đến 1 lần.
Bãi biển Xuân Đừng, vịnh Vân Phong phía xa xa
Vào một ngày tháng 6, mình cùng người bạn chung lớp lập team và quyết định chinh phục điểm Cực đông này. Quyết định có vẻ điên rồ vì bạn mình là một người chưa bao giờ có khái niệm trekking hay climbing trong khi hoạt động này tương đối bình thường đối với mình, một dân du lịch Kibitravel hơn 15 năm. Công việc đầu tiên của việc chuẩn bị là nghiên cứu thời tiết tại vịnh Vân Phong và tham khảo kinh nghiệm các phượt thủ đã từng trekking đến đây. Sau đó, là đến việc chuẩn bị vật dụng cho chuyến trekking. Để chuyến đi thành công, thì chúng ta cần phải chuẩn bị thật kỹ và cẩn thận và nên mường tượng trước một số tình huống ngoài ý muốn có thể xảy ra. Vì tụi mình dự định sẽ khám phá cột mốc Cực Đông này trong ngày nên vật dụng cần chuẩn bị sẽ là:
Vật dụng chuẩn bị cho chuyến trekking dài
Sau khi đã chuẩn bị xong, tụi mình thuê 1 chiếc xe 4 chỗ dùng làm phương tiện di chuyển từ thành phố Nha Trang vì thời gian này khu vực tỉnh Khánh Hòa hay có mưa giông và cũng để bảo đảm sức khỏe cho chuyến trekking dự kiến là khó khăn sắp tới.
Đúng 14g chiều, tụi mình bắt đầu xuất phát. Đúng như dự đoán trên đường đi, một cơn mưa rất to đã ập đến làm cho tốc độ di chuyển không nhanh như dự kiến và thay vì 2 giờ 30 phút di chuyển nhưng tụi mình phải mất hơn 5 tiếng (gần 20g tối) tụi mình mới đến được xã Vạn Thạnh. Vì là dân du lịch nên mình đã đặt trước nhà nghỉ Hải Hà vì nếu không đặt trước thì sẽ rất khó để tìm được chỗ nghỉ trong đêm tối mưa gió như vậy. Tại đây, chỉ có nhà nghỉ dạng motel thôi nhé. Tuy nhiên, phòng ốc của nhà nghỉ Hải Hà tương đối sạch sẽ, toilet riêng, có quạt và máy điều hòa đầy đủ. Sau khi nhận phòng, vệ sinh cá nhân, theo thói quen nghề nghiệp, mình rủ anh bạn đi lang thang khu vực gần nhà nghỉ để khảo sát vài điểm ăn uống buổi tối của người dân địa phương. Vì đang trong thời gian tỉnh Khánh Hòa đang áp dụng chỉ thị 15 nên hàng quán mở cũng không nhiều, may mà vẫn còn 1 quán nhỏ ven đường còn sáng đèn có tên là quán cơm Ngọc Hà. Quán tuy nhỏ nhưng được cái em chủ quán người địa phương vui vẻ, nhiệt tình lại nấu ăn cũng rất vừa miệng. Màn đêm của xã ven biển xuống nhanh, tụi mình ăn vội đĩa mì xào hải sản và uống vài lon bia rồi về lại nhà nghỉ để dưỡng sức chuẩn bị cho hành trình sáng ngày hôm sau.
Buổi sáng thức dậy, tụi mình kiểm tra lại vật dụng cho chuyến trekking 1 lần nữa. Sau đó, di chuyển nạp năng lượng cho buổi sáng. Tụi mình lại chọn quán ăn tối qua vì cảm thấy yên tâm chất lượng nấu ăn của em chủ quán. Bữa sáng là đĩa bánh xèo nóng hổi với rau sống xanh tươi và ly nước chanh. Đủ năng lượng cho hành trình sắp tới.
Khoảng 7g30 sáng, chuyến trekking bắt đầu. Mình đã lên kế hoạch và chia thử thách chinh phục Mũi Đôi làm 5 chặng trekking (tổng cộng gần 12km), mức độ trekking để các bạn là dân đã từng trek hay chưa bao giờ trek cũng có thể phân phối sức phù hợp để đến đích cuối cùng.
Sơ đồ trekking chinh phục Mũi Đôi
Chặng 1 (từ điểm xuất phát starting point --> nhà chú Hai Mũi Đôi). Đoạn đường đầu tiên, chúng ta sẽ vượt qua trạm “kiểm soát” là doanh trại quân đội đang đóng quân tại kv xã Vạn Thạnh, vì thời gian này đang áp dụng chỉ thị 15 nên tụi mình cứ im lặng, đeo khẩu trang và đi cách xa nhau để tuân thủ quy định 5K. Đến điểm xuất phát, đây là điểm mà bạn nào đi trekking Mũi Đôi cũng nên biết là bật định vị của anh Google Mập (Google Map) lên, điểm này sẽ xuất hiện ngay tại tâm đường nhựa lớn sau khi vượt qua doanh trại quân đội. Từ đây, chúng ta bắt đầu đi bộ vào con đường mòn đầy cát, xung quanh hai bên là các bụi cây thấp với địa hình tiểu sa mạc giống như ở Mũi Né, Phan Rang. Cung đường uốn lượn, đi men theo rìa của các đồi cát. Đoạn này dân phượt thủ đi nhiều nên tạo nên các con đường mòn rõ ràng, giúp người mới như mình cũng dễ dàng tìm được đường đi. Trên đường đi, chúng ta sẽ bắt gặp các các tảng đá có hình hài đa dạng tròn, vuông, dài, dẹt,… ngán đường, như giúp cho các trekker khởi động, có thêm hào hứng chuẩn bị chinh phục các thử thách khó khăn hơn sau đó. Vì có nhiều cảnh đẹp ở đoạn này nên thông thường các trekker sẽ dừng lại nhiều để chụp ảnh, sẽ mất nhiều thời gian. Lời khuyên của người đã từng mắc lỗi khó cưỡng này là hãy di chuyển liên tục, hoàn thành sớm mục tiêu này để tiết kiệm thời gian và sức lực dành cho chặng đường sau đó còn khá dài và thử thách lớn hơn nhiều. Khi đến tấm bảng “Chú Hai Mũi Đôi” là chúng ta đã hoàn thành mục tiêu đầu tiên, mục tiêu số 1. Tại đây, nghỉ ngơi khoảng 15’, nạp ít bánh ngọt, trái cây và nước nhé
Điểm xuất phát cho chuyến trekking Mũi Đôi - Cực Đông Việt Nam
Cột mốc nhà Chú Hai Mũi Đôi
Chặng 2 (từ Chú Hai Mũi Đôi --> Bãi Nước ngọt): đoạn đường này đường mòn càng lúc càng mờ dần và không đi theo đường ven đồi nữa mà sẽ bắt đầu trải nghiệm việc lần theo các lối đi nhỏ, hẹp dưới tán cây rừng thấp, gai góc. Các dân phượt bằng xe máy cũng buộc phải dừng xe tại đây và bắt đầu đi bộ. Chúng ta cũng nên di chuyển liên tục để hoàn thành chặng này sớm trước 10g khi thời tiết chưa quá nắng. Đến Bãi nước ngọt, chúng ta nên tìm 1 góc mát để làm dịu cơ thể và bổ sung thêm nước. Đối với chặng 2 này, chúng ta có thể tiếp tục tin tưởng sự chỉ dẫn của anh Google Mập.
Chặng 3 (từ Bãi nước ngọt --> đỉnh cao nhất của ngọn núi): đây có thể nói là chặng cam go, khó nhằn nhất và tốn nhiều sức lực nhất của thử thách chinh phục Cực Đông. Đến chặng này, theo kinh nghiệm của các dân địa phương, bạn đừng tin vào chỉ dẫn của anh Google Mập nữa nhé, nếu không ảnh sẽ cho bạn lòng vòng ngọn núi này như lạc vào mê cung không lối thoát. Kinh nghiệm của mình là bạn hãy đi theo đường mòn mờ và tín hiệu là các chai nước nhựa mà các dân phượt đi trước đã để lại làm dấu. Hãy di chuyển chậm mà chắc, phân phối sức từ từ. Trên chặng đường này, chúng ta sẽ bắt đầu đi sâu vào trong rừng cây đặc thù ven biển. Những cây thân mỏng, có rễ bám sâu vào đất đá, lá nhỏ, nhưng nhiều cũng đủ để che mát và giữ hơi nước nếu có gió biển thổi vào. Chính vì vậy, khi di chuyển dưới tán cây như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy hơi khó thở vì độ ẩm khá cao. Có những đoạn lối đi là các dốc nghiêng đến 15-20 độ, vừa tìm đường, chúng ta vừa phải bám vào các thân cây để leo dốc. Các đoạn có dốc này tuy ngắn, nhưng vì địa hình khó khăn như vậy, khiến cho chúng ta tốn rất nhiều thời gian để vượt qua. Hãy chắc chắn bạn vẫn đi theo lối có các tín hiệu chỉ dẫn “chai nhựa”. Chúng ta có thể tạm dừng 5-10 phút khi cảm thấy mệt, chứ không nên quá cố gắng đi vì bạn sẽ không biết khi nào kết thúc. Như vậy, sẽ giúp chúng ta không bị đuối sức và giữ được sự bình tĩnh nếu có bị lạc đường. Sau khi vượt qua các đoạn dốc cao, từ khi không thấy ánh sáng mặt trời cho đến khi thấy được ánh sáng rõ ràng, cũng là lúc chúng ta đã đến được điểm cao nhất của ngọn núi này. Mình nhìn đồng hồ lúc này đã là 11g45 trưa. Tại đây, tụi mình có thể chọn một tán cây đủ rộng, thoáng mát để hít không khí biển trực tiếp nghỉ ngơi và dùng bữa trưa, nạp năng lượng cho 2 chặng cuối về đích. Tuy nhiên, phần còn lại vẫn là thử thách đáng gờm nên chúng ta cũng chỉ nên cho phép mình nạp năng lượng và nghỉ ngơi trong vòng 30 – 45 phút thôi nhé, lâu quá thì bản ngã trong con người mỗi chúng ta sẽ tìm lý do để làm bạn nản chí.
Chặng 4 (từ đỉnh ngọn núi --> Bãi Rạng): nếu chặng 3 độ khó 10 thì chặng 4 này độ khó cũng xấp xỉ 7-8. Chúng ta cũng phải vượt qua địa hình là phải xuyên qua các tán rừng rậm rạp, quanh co, ít ánh sáng. Vẫn áp dụng chiến thuật đi theo bạn đường tín hiệu “chai nhựa”, chúng sẽ đưa ta ra tới bìa rừng. Riêng đối với chặng này, quan trọng nhất là điểm bắt đầu sau khi chúng ta kết thúc bữa trưa. Không ít các đoàn trekking trước đã lạc đường vì tin vào sự chỉ dẫn của anh Google Mập. Bạn lưu ý cẩn thận, hãy tìm tín hiệu “chai nhựa” dẫn xuống 1 lối đi hẹp, tưởng chừng như không thấy lối đi. Còn lối đi lên thì dễ thấy nhưng sẽ dẫn bạn đi lòng vòng, không có lối thoát. Khi đã tìm đúng lối đi, nó sẽ dẫn dắt bạn đến với ngọn núi tiếp theo và tiếp tục đi theo lối mòn, xuyên qua các tán cây rậm rạp. Lúc này chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn chặng 3, không khí thoáng hơn và cứ kiên trì đi theo tín hiệu, chúng ta sẽ ra khỏi bìa rừng khi thấy ánh sáng của bầu trời cuối con đường. Cảm giác “wow” khi bạn nghe được tiếng sóng biển rì rào và thấy được biển trời mênh mong. Mình cũng vậy, thật sự là thở phào nhẹ nhõm khi thấy được biển trời mặt dù đó là điều đơn giãn khi mới bắt đầu chuyến đi. Cái cảm giác như bạn mới thoát khỏi mê cung, ma trận mà tưởng chừng đã không bao giờ ra khỏi. Đi men theo bìa rừng, đi xuống hướng bãi biển, chúng ta sẽ đặt chân tới bãi Rạng. Nơi đây thường là nơi hạ trại của các phượt thủ qua đêm để đón bình minh ở cột mốc Cực đông. Thật vậy, từ bãi Rạng chúng ta chỉ phải thêm vài trăm mét để tới điểm xa nhất ở phía Đông Tổ Quốc. Tuy nhiên, bạn không cần quá vội vàng để chinh phục vì có thể bạn đã thấm mệt sau chặng thứ 4. Mình nhìn lại đồng hồ, kim giờ cũng vừa đi qua số 2, tức hơn 14g chiều. Hãy cứ tìm cho mình 1 chỗ sạch sẽ, mát mẻ, tựa vào vách đá đằng sau lưng để đặt balo, tất cả các vật dụng cá nhân tại chỗ, thay bộ trang phục khác và cho mình cơ hội xả hơi chốc lát, thư giãn, hít gió biển, nạp thêm nước cho cơ thể.
Sau khi vượt qua chặng 4, chúng ta sẽ thấy được ánh sáng bầu trời, biển cả mênh mong
Bãi Rạng lấp ló phía xa xa, đích đến của chặng 4
Bãi Rạng, nơi hạ trại cho chuyến trekking qua đêm
Chặng 5 (chặng cuối cùng để chinh phục cột mốc Cực Đông Việt Nam – Mũi Đôi): như mình đã đề cập từ bãi Rạng đến cột mốc chỉ cách vài trăm mét, nhưng đường đi cũng không hề dễ dàng. 14g30: tụi mình xuất phát đến điểm cuối của hành trình. Chúng ta sẽ hai có lựa chọn. Cách thứ nhất, chúng ta sẽ đi bộ lên phần đồi cao phía bên phải bãi Rạng và đi xuống bên trái hướng ra biển. Từ đây, chúng ta sẽ đi men theo các ghềnh đá khổng lồ cheo leo. Tuy nhiên, mình không khuyến khích các bạn đi cách này. Nó sẽ rất nguy hiểm vì không phải ai cũng có khả năng xoay sở trên các tảng đá to, trơn chợt, bên cạnh những con sóng dữ khi chiều về. Chúng sẽ luôn sẵn sàng hất bạn vào các tảng đá không biết nói kia. Cách thứ 2 là cách an toàn hơn nhiều, phù hợp hơn vì bạn đã có trải nghiệm 1 ngày leo núi, băng rừng rồi. Chúng ta cũng đi bộ lên phần đồi cao phía bên phải bãi Rạng như cách 1, sau đó tiếp tục leo lên đỉnh núi phía trên và men theo con đường mòn trên đấy. Lối đi xuống của đường mòn, chúng ta chỉ cần vượt một hòn đá tảng lớn là đến với Cực đông thiêng liêng của Việt Nam. Khi đặt bàn tay lên chóp cột mốc, sẽ không có từ nào diễn tả được cảm giác sung sướng và hạnh phúc vô bờ bến. Hãy đứng nghiêm trang, đặt tay lên ngực trái bên cạnh chóp Mũi Đôi và chụp cho mình 1 tấm hình kỉ niệm và thể hiện sự tôn trọng đối với lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam.
Đây là nơi duy nhất tại khu vực Bãi Rạng có sóng điện thoại, 3G để bạn có thể liên lạc với đất liền
Cảm giác sung sướng tột độ khi bạn đặt bàn tay hay dựa lưng vào cột mốc thiêng liêng của Tổ Quốc nhìn ra biển trời phía trước
Sau khi thỏa lòng chinh phục, cũng là lúc tụi mình quay lại bãi Rạng để thu dọn hành lý chuẩn bị về lại đất liền. Lúc này đã là 17g, tàu cá của người địa phương đã được đặt trước để chở tụi mình quay về bờ. Lưu ý, nếu bạn không dự định ở lại qua đêm tại nơi đây thì bạn nên gọi điện đặt trước tàu thuyền của người dân địa phương ra Bãi Rạng để đón bạn về nhé, nhớ hẹn giờ sớm. Nếu bạn đặt trễ, mình chắc chắn không bất cứ ai có thể cứu được bạn vì khu vực này chiều tối hay có gió giông nên dân biển họ rất sợ, không dám đi bất kể bạn trả nhiều tiền như thế nào. Từ bãi Rạng về lại đất liền mất hơn 1 tiếng 30 phút. Tàu đã đưa tụi mình về bãi neo đậu của các tàu cá địa phương, gần bãi biển Xuân Đừng. Về đến đất liền, trời cũng bắt đầu trạng vạng tối (tầm 19g). Chú chủ tàu rất dễ thương thấy tụi mình không có phương tiện về lại nhà nghỉ nên đã cho quá giang xe máy của chú.
Tàu cá của người dân địa phương, là phương tiện duy nhất có thể đưa bạn vào lại đất liền
Sau khi làm thủ tục trả phòng, tụi mình không quên ghé quán cơm Ngọc Hà dùng bữa tối hải sản ngon lành để tự thưởng cho bản thân sau một ngày vả mồ hôi. Em chủ quán xinh xắn cũng tạm biệt tụi mình với ít quà đặc sản Vạn Ninh: khô cá chỉ vàng, mực câu khô, mực 1 nắng vì nghe nói có người nhà ở Bãi Giếng vừa đi biển mang về và cũng cảm ơn vì tụi mình đã ủng hộ quán trong 2 ngày qua. Thật là xúc động và ấm lòng. Trên đường về, mặc dù trời cũng đã tối, nhưng cả hai đứa không đứa nào cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ mà cảm giác sung sướng, ngất ngây vì đã chinh phục Mũi Đôi – Cực Đông Tổ Quốc một cách thành công rực rỡ và an toàn!!!.
[Nguồn: Du lịch Kibitravel - Explore the world in style]